Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, chiếm tới 55,5% tổng số các điều kiện đang tồn tại.
Trước đó, năm 2016 Bộ công thương cũng đã từng một đợt cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo Quyết định số 4846, bãi bỏ và đơn giản hóa một thủ tục hành chính, sự thay đổi đó chiếm 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công Thương.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện Bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo.
Cũng trong lần cải cách này, vị Bộ trưởng cũng khẳng định thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Ngoài việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương còn đề xuất làm tương tự với 17 ngành, nghề kinh doanh khác, bao gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistics; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).
Với sự thay đổi lớn và mang tính đột phá của Bộ công thương. Nhưng cũng có những thách thức được đặt ra. Theo ông ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Cần có cơ chế, giám sát thúc đẩy kế hoạch này để nó được thực thi chứ không phải kế hoạch treo. Cũng theo ông muốn thực sự để doanh nghiệp được thụ hưởng những thay đổi thì phải sửa đổi các nghị định.
Đồng quan điểm này, Ông Nguyễn Quang Đồng – Chuyên gia chính sách công độc lập cũng cho rằng: Chúng ta cần phải có cải cách để duy trì những thành quả đấy. Bởi không có những thay đổi về thể chế đi kèm thì chỉ một thời gian sau, điều kiện kinh doanh sẽ biến tướng dưới những hình thức khác. Một quốc gia khi sửa đổi các hệ thống về kinh doanh đều phải làm hai việc: cắt bỏ và cải cách lại hệ thống quy định kinh doanh. Hệ thống quy định kinh doanh gồm hai nét lớn: ban hành và kiểm soát nó.
Đó là thách thức về cơ chế giám sát.
Mặt khác theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng quyết định của Bộ Công thương cũng trở thành áp lực cho những Bộ khác đang chần chừ, chưa chịu thay đổi.
Như vậy, có thể thấy với quyết định cải cách lần này của Bộ Công thương, thì bài toán tiếp theo cần phải làm là xây dựng một thể chế để đưa quy định này vào thực tiễn áp dụng. Và cũng là ngòi pháo để các Bộ ngành khác nhìn lại và có bước tiến đổi mới trong trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính và hướng đến toàn cầu hóa. Đây cũng là xu thế tất yếu cho công cuộc đổi mới nhằm thu hút và tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển trên đà tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ls. Nguyễn Chí Thiện